Các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Việt Nam

Theo phong tục từ xưa đến nay của người Việt thì trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng. Khi trai gái lấy nhau được gọi là đám cưới, sau khi tổ chức đám cưới thì họ sẽ chính thức được gọi là vợ chồng. Vậy các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Việt gồm những gì?

Lễ dạm ngõ – Nghi thức trong lễ cưới truyền thống

Các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Việt Nam
Mâm lễ trầu cau ngày dạm ngõ không thể thiếu

Lễ dạm ngõ là một trong những phần quan trọng của nghi lễ đám cưới truyền thống. Khi được sự đồng ý của bên nhà gái, nhà trai sẽ chuẩn bị sính lễ và đem lễ sang nhà gái dạm ngõ. Đồ sính lễ gồm có trầu cau, rượu chè, bánh kẹo và nước uống. Lễ vật nhà trai mang sang sẽ được dâng lên bàn thờ tổ tiên. Sau đó, nhà trai sẽ đem phần lễ mà nhà gái đã lưu lại về, được gọi là lại quả.

Đây là một nghi lễ quan trọng với ý nghĩa chính thức hóa mối quan hệ hôn nhân của nhà trai và nhà gái. 

Lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi hay còn được gọi là lễ vấn danh đây là nghi lễ thông báo chính thức về sự kết giao của hai gia đình và hai họ. Nghi lễ ăn hỏi này đánh dấu một chuyển đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân của đôi trai gái: Cô gái sẽ chính thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai đi hỏi. Tuy rằng ngày nay một số nghi lễ đám cưới đã được lược giảm bớt đi nhưng lễ ăn hỏi vẫn là nghi lễ quan trọng được duy trì đến bây giờ.

Lễ vật của lễ ăn hỏi bao gồm cau tươi, cốm, trà, rượu, bánh phu thê, phong bì tiền đỏ, trái cây, heo quay,… Nhà trai trao lễ để thể hiện sự biết ơn đối với công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ cô gái.

Các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Việt Nam
Tráp ăn hỏi có số lượng khác nhau tùy điều kiện từng giá đình và phong tục từng vùng

Số lượng mâm quả mà nhà trai mang sang thường là chẵn với ý nghĩa luôn có đôi có cặp.

Sau lễ ăn hỏi phải có báo hỉ và chia trầu. Khi đó nhà gái trích từ lễ vậy nhà trai mang sang một gói trà nhỏ, 1 lá trầu, quả cau và một cái bánh cốm gói lại thành hộp hoặc đựng trong phong bao hồng để chia cho người thân và bạn hữu của nhà gái. Thường thì trong lễ ăn hỏi, họ hàng hai bên cũng sẽ chọn ngày lành tháng tốt để định luôn ngày cưới cho đôi vợ chồng trẻ.

Xem thêm: tráp ăn hỏi 7 tráp gồm những gì?

Lễ cưới – Lễ thành hôn

Lễ cưới – lễ thành hôn là nghi lễ cuối cùng của các nghi thức trong hôn lễ của người Việt. Lễ cưới được tổ chức nhằm thông báo với hai bên gia đình, họ hàng và toàn xã hội về cuộc hôn nhân của nhà trai và nhà gái. 

Nghi thức lễ cưới truyền thống của người Việt bao gồm 3 nghi thức:

Lễ xin dâu

Trước giờ chú rể sang đón dâu thì mẹ chú rể sẽ cùng đại diện nhà trai và người thân trong gia đình đến nhà gái mang cơi trầu, rượu đến xin dâu và báo đoàn dâu đã đến để nhà gái chuẩn bị đón tiếp cho chu đáo.

Ngoài ra ở một số đám cưới sẽ có tục chăng dây. Tức là nhà gái sẽ bố trí một vài em gái nhỏ, mặc áo đỏ xinh xắn chăng dây ở trước cửa nhà gái. Khi nhà trai mang cơi trầu đến thì những em nhỏ này sẽ chạy vào báo cho nhà cho nhà gái biết. Nhà trai sẽ phát cho lũ trẻ một ít kẹo, sau đó lũ trẻ sẽ rút dây ra để nhà trai có thể đi vào nhà gái xin dâu dễ dàng.

Nghi thức lễ rước dâu

Đoàn rước dâu của nhà trai sẽ đi thành một đoàn với đội hình chỉnh chu. Đầu đoàn là đại diện nhà trai – thường sẽ là cụ già trưởng họ đi trước cùng với người mang theo sính lễ, tiếp đó là đến bố chú rể, chú rể và người thân bạn bè của nhà trai. 

Tiếp đó đại diện nhà trai sẽ được nhà gái mời vào thắp hương bàn thờ tổ tiên rồi ra đón đoàn nhà trai vào. Sau đó nhà trai được mời uống nước xơi trầu cùng nhà gái. Hai bên họ hàng giới thiệu nhau và có đôi lời phát biểu từ đại diện nhà trai và nhà gái. Đại diện nhà trai sẽ có đôi điều nói với nhà gái và xin chính thức được rước dâu về.

Các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Việt Nam
Các nghi lễ thủ tục trong ngày cưới

Sau khi đại diện nhà trai xin được rước dâu thì chú rể sẽ vào phòng trao hoa cho cô dâu và cùng cô dâu đến thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, ra chào bố mẹ cô dâu, họ hàng hai bên, rót nước mời trầu mọi người hai họ.

Cha mẹ cô dâu sẽ có đôi lời dặn dò con trước khi về nhà chồng, trao quà cưới cho câu dâu. Sau khi dặn dò xong, đại diện nhà trai sẽ thay mặt chú rể và xin rước dâu lên xe về nhà chú rể. Họ hàng nhà gái cũng theo xe hoa đưa dâu về nhà chồng.

Đến nhà trai, cô dâu chú rể sẽ đến bàn thờ tổ tiên của nhà trai thắp hương, báo cáo với tổ tiên đã nên vợ nên chồng, rồi ra chào hỏi họ hàng bên nhà chồng. Nhà trai sẽ mời khách của bên nhà gái cùng tham gia tiệc cưới trước khi ra về.

Lễ lại mặt

Lễ lại mặt hay còn gọi là nhị hỷ hay tứ hỷ, sau ngày cưới khoảng 2 – 4 ngày, mẹ chồng sẽ chuẩn bị cho đôi vợ chồng son một mâm lễ nhỏ để mang về nhà gái tạ gia tiên. Lễ vật gồm có trầu cau, xôi và lợn. Khi đó nhà gái sẽ chuẩn bị mâm cơm để mời con gái và chàng rể mới ở lại ăn cơm.

Qua bài viết này, tinnhavuon hi vọng đem đến cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Việt. Đây đều là những nghi lễ từ xa xưa ông cha ta để lại và được xem là nét đẹp văn hóa trong cưới hỏi truyền thống. Mong rằng các cô dâu chú rể sẽ thực hiện đầy đủ và trang trọng nhất những nghi thức truyền thống này nhé!

5/5 - (3 bình chọn)