Sau thời gian canh tác dài, đất trồng có xu hướng nhiễm chua do nhiều nguyên nhân khiến cây trồng không phát triển. Một trong những nguyên nhân phổ biến thường gặp đó chính là sử dụng phân bón làm tăng độ chua của đất. Vậy những loại phân làm tăng độ chua của đất là loại nào, phải hạn chế hay sử dụng ra sao. Các biện pháp giúp trung hòa độ pH của đất?
Độ chua của đất là gì?
Độ chua của đất là một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng sinh sống và phát triển của các loài thực vật cũng như sinh vật sống trong đất.
Độ chua của đất được tính theo thang pH ( dưới 7), trong đó đất siêu axit có độ pH < 3,5. Ngược lại đất có độ kiềm thì pH > 7.
Chính vì thế, trước khi quyết định trồng một loại cây bạn nên đo thử độ pH của đất xem chúng có phù hợp với loại cây đó hay không để có biện pháp cải tạo đất cho phù hợp.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến đất bị chua?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho đất bị chua, trong đó có thể kể đến như:
Do lượng mưa cao: Những nơi có lượng mưa cao, khí CO2 tác dụng với nước tạo thành axit H2CO3 ( CO2 + H2O => CO3 2- và 2H+)
Khi nước này chảy qua đất, nó dẫn đến sự rò rỉ các cation cơ bản từ đất dưới dạng bicarbonat; điều này làm tăng tỷ lệ phần trăm của Al3+ và H+ liên quan đến các cation khác.
Do mưa axit: Việc đốt cháy các nguyên liệu hóa thạch giải phóng lưu huỳnh và nitơ trong không khí. Khi mưa và sự xuất hiện của sét, chúng phản ứng với nước mưa tạo nên những cơn mưa axit rơi xuống.
Quá trình hô hấp của rễ cây và phân hủy xác các vi sinh vật, động vật tạo ra CO2 cũng làm đất chua lên theo thời gian.
Do sử dụng phân bón có gốc Amoniac NH4+, khi bón vào đất sẽ sản sinh ra NO3- và giải phóng các ion H+ khiến cho đất ngày càng chua. Và hầu hết các loại phân bón giàu đạm hiện nay đều có gốc NH4, đây là nguyên nhân chính khiến cho đất canh tác càng ngày càng chua.
Các loại phân bón vô cơ có gốc Axit khi bón vào đất kết hợp với ion H+ tạo ra axit khiến đất bị chua. Do vậy lạm dụng phân bón vô cơ không chỉ khiến cho đất chua mà còn chai cứng qua nhiều năm.
Một số loại thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng, nấm bệnh,… có gốc Sunfua ( lưu huỳnh) cũng khiến cho đất bị chua sau nhiều ngày tích tụ.
Ngoài ra, do quá trình phong hóa sẽ khiến tạo ra quá trình trao đổi và rửa trôi các cation kiềm. Khi đó đất sẽ mất cân bằng và dần trở nên chua hơn.
Những biện pháp làm giảm độ chua của đất
Tùy thuộc vào độ chua của đất mà bạn có thể lựa chọn phương pháp làm tăng pH cho cây phù hợp. Và trước đó hãy nhớ kiểm tra thật kỹ, không nên bón linh tinh tránh trường hợp càng làm cho đất chua hơn. Cũng lưu ý thêm là chi phí để làm giảm độ kiềm của đất đắt hơn rất nhiều so với làm giảm độ chua của đất, do vậy bạn cần theo dõi kỹ để điều chỉnh độ chua của đất cho phù hợp
Bón vôi
Các loại vôi có thể bón vào đất để cân bằng độ pH có thể kể đến như: vôi bột đã tôi, vôi sống, đá vôi nghiền, nước vôi, đá dolomite,…
Khi bón vôi sẽ giúp dễ dàng hòa tan các chất dinh dưỡng có trong đất, đồng thời bổ sung Canxi, Magie cho cây phát triển tốt hơn. Cân bằng được pH sẽ giúp đất phù hợp với nhiều loại vi sinh vật tốt cho đất, tạo môi trường phù hợp cho cây phát triển thuận lợi.
Khi bón vôi, các bạn chú ý đập nhỏ vôi hoặc nghiền thành bột, rải đều lên bề mặt của đất. Thời gian bón vôi tốt nhất là trước 2 tuần khi gieo trồng cây. Bạn nên theo dõi độ pH thường xuyên của đất để có điều chỉnh cho phù hợp nhất.
Chỉ nên sử dụng vôi ở những khu vực đất có đầy đủ chất hữu cơ, nếu khu đất nghèo nàn chất hữu cơ thì tuyệt đối không sử dụng vôi để khắc phục, điều này sẽ khiến cho đất mất hết chất dinh dưỡng.
Phân chuồng hoai mục
Hãy sử dụng phân chuồng hoai mục để tăng độ mùn, tăng lượng keo đất giúp cây hấp thụ dinh dưỡng một cách dễ dàng. Và lưu ý quan trọng bạn cần sử dụng phân chuồng đã hoai mục, không được sử dụng phân chuồng ủ dở vào đất sẽ khiến tình trạng ngày càng tệ hơn.
Bạn có thể sử dụng nấm trichoderma để ủ phân chuồng hoặc một số loại chế phẩm sinh học giúp hỗ trợ ủ phân chuồng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Phân lân, siêu lân
Phân lân có khả năng khử độc phèn chua hiệu quả. Do vậy bạn có thể bón trực tiếp phân lân vào đất hoặc phun lân bón lá giúp cây
Bổ sung axit humic
Axit Humic và Fulvic đều là dạng keo đất, chúng liên kết với các catuion bazo giúp giữ lại phân bón, giúp quá trình trao đổi chất hoáng hiệu quả hơn. Từ đó làm tăng hiệu quả của phân bón, hạn chế thất thoát và lãng phí phân bón hằng năm.
Ngoài ra, axit Humic có khả năng duy trì pH ở mức trung tính, tốt cho rất nhiều loại cây hoa màu và cây ăn trái phổ biến tại Việt Nam.
Xỉ cơ bản, vỏ hàu nghiền nhỏ
Đây cũng có thể là một biện pháp giúp cải thiện tình trạng đất chua hiệu quả. Tuy nhiên biện pháp này thường không được áp dụng rộng rãi bởi không phổ biến cũng như làm đất bị chai cứng, khó canh tác.
Trên đây là một số phương pháp giúp bạn có thể hạn chế tác hại của phân bón làm tăng độ chua của đất. Tùy thuộc vào mỗi loại cây trồng mà chúng sẽ có những đặc tính sinh trưởng khác nhau. Do vậy, bạn có thể cải thiện đất trồng cho phù hợp hoặc lựa chọn loại cây trồng cho phù hợp nhé!
Là một người yêu hoa, thích trồng cây và chia sẻ mọi thứ về sân vườn.