Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại cây cảnh mini trang trí bàn làm việc và không gian sống, với mục đích không chỉ điểm tô vẻ đẹp cho văn phòng hay nhà ở, mà còn có tác dụng đem lại may mắn, vận khí tốt lành cho gia chủ. Trong số đó không thể không nhắc tới một loại cây được rất nhiều người yêu thích và tìm mua, đó chính là cây sen đá. Trong bài viết này, Tin nhà vườn sẽ cung cấp cho các bạn đầy đủ những thông tin cần thiết và hữu ích nhất về sen đá để các bạn có thể chọn mua cho mình và người thân những cây sen đá ưng ý nhất.
Nguồn gốc ít ai biết của Sen Đá ( Succulent)
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện nay có khoảng hơn 100 loài họ sen đá khác nhau, trong đó hơn 90% phân bố chủ yếu ở châu Mỹ, châu Úc và vùng có khí hậu nhiệt đới như khu vực châu Phi.
Tại Việt Nam, sen đá được biết đến từ lâu, và được trồng rộng khắp, hầu như ở cả 3 miền đất nước, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh của những chậu hoa sen đá, hay những khu vườn tiểu cảnh trồng sen đá với những loại cây cảnh khác như: xương rồng, cây kim ngân, cây kim tiền,…Ta dễ dàng bắt gặp những chậu sen đá với nhiều kích thước, hình dạng khác nhau được trồng, chăm sóc và trưng bày trong những quán Cafe, hiệu sách, miệt vườn hay những khách sạn, Resort sang trọng,…
Cách nhận biết cây sen đá dễ dàng
Một đặc điểm nổi bật và khác biệt của sen đá so với những loài cây cảnh khác, đó chính là sen đá hầu như không có thân. Bộ phận chính của cây sen đá là lá. Không cần quan sát kĩ lưỡng, ta cũng có thể nhận ra lá sen đá rất dày, mọng nước, là không quá dài, nhưng màu xanh của hoa sen đá lại rất mướt, không có vẻ xanh đậm, xanh thẫm, nhưng lá lại chiếm một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống để nuôi cây.
Nếu ta bóc lớp ngoài của lá màu xanh thẫm ra, bên trong là một lớp dày, dạng thạch, mướt và có chất dịch nhầy, lớp chất này có tác dụng giữ nước, hạn chế sự thoát hơi nước không cần thiết, giúp cây sen đá có thể sống trong thời gian dài mà không cần đến nước và độ ẩm. Đây chính là một đặc điểm của những loài thực vật sống ở những nơi nhiều ánh sáng, không có nhiều lượng mưa và độ ẩm.
Lá sen đá mọng nước, đặc biệt, lá xếp thành vòng, khum khum, ôm khít lấy thân, nhìn giống như đóa hoa sen với những cánh xếp dựa vào nhau, đó chính là lí do có sự ra đời của cái tên hoa sen đá. Phía đầu lá của sen đá, thường hơi thon và nhọn và có màu sắc đậm hơn phần giữa của lá.
Màu sắc của lá cây sen đá cũng rất đa dạng và phong phú. Tùy theo sở thích cá nhân, hay nhu cầu của thị trường, mà sen đá có nhiều loại, nhiều màu khác nhau: xanh nhạt, xanh đậm, đỏ tía, xanh vàng, xanh ngọc bích,…
Một năm, sen đá có thể ra 3 đến 4 lần hoa, tùy thuộc vào loài sen đá bạn trồng. Nhưng thường, sen đá sẽ ra hoa khi đến độ tuổi sinh sản, khi được trồng và chăm sóc hợp lý. Những nhành hoa sen đá thường hướng lên trên, mọc thẳng hoặc hơi rủ. Những bông hoa sen đá nhỏ nhắn, xinh xắn, với màu sắc rực rỡ như: vàng tưới, hồng phấn, hồng cam,…Trung bình, mỗi nhành hoa sen đá thường cao từ 7 đến 15cm, giữa những bông hoa sen đá, khoảng cách không quá thưa, tạo nên điểm nhấn nổi bật cho chậu sen đá của bạn.
Rễ của cây sen đá thường mọc thành chùm, đua dài nhằm đâm sâu xuống mặt đất, hút nước, chất dinh dưỡng và muối khoáng, vận chuyển đi khắp các bộ phận để nuôi cây. Nhờ có bộ rễ siêng năng và cần cù làm việc đó, mà cây hoa sen đá lớn lên từng ngày, phát triển và ra hoa.
Cây sen đá có những loại nào?
Tùy theo nhu cầu và mục đích khác nhau của người chơi sen đá, mà sen đá được chia thành nhiều loại khác nhau, người ta có thể chia sen đá theo màu sắc của lá, của hoa hay chia theo nguồn gốc, xuất xứ.
Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng ta chỉ đề cập đến một số loại sen đá được ưa chuộng và trồng nhiều ở Việt Nam như:
Sen đá nâu:
Loại hoa sen đá này thường ra hoa vào mùa đông xuân và thu. Một năm, sen đá nâu sẽ nở hoa khoảng 3 – 4 lần. Cây sen đá nâu có tuổi thọ trên 2 năm sẽ có đường kính khoảng 5 – 8 ngón tay. Tuy nhiên, những bông hoa từ chúng lại rất xinh xắn. Lá của chúng không quá dày, thường sẽ dài và dẹt ở giữa, càng lên cao, tán của sen đá càng nhọn và thon hơn, giống như hình dạng của những chiếc tháp tí hon.
Sen đá Phật Bà:
Cũng như dòng hoa sen đá nâu, loài cây này nở hoa khoảng 3 – 4 lần một năm. Hoa của sen đá Phật Bà thường có màu đỏ hoặc vàng. Người ta thường mua loại cây này để trang trí phòng khách hoặc bàn làm việc. Sen đá Phật Bà không chỉ mang tới sự may mắn cho người dùng, trang trí không gian sống mà chúng còn có tác dụng hút những tia điện tử gây hại tới sức khỏe chúng ta. Đây là một trong những lý do khiến cho sen đá Phật Bà được nhiều người lựa chọn bởi chúng có tác dụng cải thiện sức khỏe cho mọi người, nhất là đối tượng người già và trẻ nhỏ.
Sen đá Kim cương:
Đúng như tên gọi của nó, sen đá kim cương mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng và thanh thoát, phần lá có đầu tròn. Hoa của sen đá kim cương xuất hiện các mùa trong năm, có màu sắc đỏ nhạt hoặc vàng. Chúng thường được trồng trong bình thủy tinh, gốm, chậu gỗ…
Sen đá móng rồng:
Loại sen đá này lá dài, nhọn, thuộc họ bỏng, phần lá mọng nước, lấm tấm gai. Tuy nhiên, khi chạm tay vào lại có cảm giác khá mềm, không đau. Hoa của cây sen đá móng rồng khá đặc biệt. Khi đến mùa ra hoa, chúng sẽ chỉ mọc một bông, đến khi tàn thì được thay thế bởi một nụ mới.
Công dụng hữu ích của sen đá
Như các bạn đã biết, sen đá có tác dụng làm đẹp, trang trí cho không gian làm việc, không gian sống của con người. Một chậu hoa sen đá nhỏ xinh hay một chậu tiểu cảnh trồng kết hợp các loại sen đá với nhau, đều có thể đem lại cho bạn một niềm vui nho nhỏ, niềm hứng khởi cho ngày mới hay giúp bạn giảm căng thẳng, stress trong công việc. Chậu sen đá có thể dùng để trưng bày trên bàn làm việc, góc học tập, nhỏ nhắn, xinh xắn và sạch sẽ. Khi ngắm nhìn những cánh lá xanh mướt tươi mơn mởn, tâm hồn ta sẽ thoải mái, lắng dịu lại, giảm stress trong công việc, giúp kéo dài năng lượng cho cả ngày làm việc.
Sen đá là loại cây nhỏ nhắn, xinh xắn thường được trồng trong chậu để tạo những góc nhỏ trong ngôi nhà hoặc văn phòng đem đến một phong cách rất hiện đại. Bạn cũng có thể trồng sen đá trong những chậu lớn xen kẽ với nhiều loại cây khác nhau hoặc có thể đan xen với những loại đá, sỏi,… tạo nên một bức tranh đa màu sắc.
Cây sen đá phù hợp với mọi vị trí không gian nội thất, bạn có thể đặt vài chậu cây trên bậu cửa sổ, hay bên cạnh những bức tường cũ rêu phong,… sẽ mang lại cho ngôi nhà, văn phòng, quán cà phê, hiệu sách,…để mang lại những màu sắc tươi mới, trẻ trung. Bạn cũng có thể đặt một vài chậu sen đá nhỏ xinh trên bàn làm việc, học tập để cảm thấy yêu đời hơn. Ngoài ra, chúng ta còn có thể trồng sen đá ở tiểu cảnh sân vườn hoặc ban công,..
Ngoài ra, sen đá còn đem lại cho người trồng những giá trị về vật chất, giá trị về kinh tế, giúp họ ổn định và phát triển cuộc sống, đem lại nguồn thu nhập từ việc trồng và chăm sóc sen đá cảnh.
Cây sen đá mang ý nghĩa gì?
Các loại cây cảnh đều mang trong mình những ý nghĩa riêng trong phong thủy và ý nghĩa phong thủy của sen đá cũng được rất nhiều người quan tâm. Hầu hết các loại sen đá đều phù hợp với tuổi, mệnh của mọi người.
Cây Sen đá trong phong thủy được cho là biểu tượng mang lại may mắn, tài lộc cho người sở hữu nó. Theo các chuyên gia phong thủy thì những chiếc lá của cây sen đá xếp đan vào nhau, nở bung ra tựa như đài sen của Quan Âm Bồ Tát. Sở hữu cây hoa sen đá, người chủ nhân của nó giống như luôn được Quan Âm Bồ Tát phù hộ, dõ theo và giúp sức, để có đủ trí và lực, vượt qua mọi khó khăn chông gai ở phía trước. Hình đài hoa của cây sen đá thể hiện may mắn và phú quý, tượng trưng cho sự viên mãn, trọn vẹn và đủ đầy cho người sở hữu nó.
Bên cạnh đó, sen đá còn tượng trưng cho tinh thần kiên cường, mạnh mẽ và vững tin vào cuộc sống, dù cho phía trước là chông gai thử thách, chúng ta hãy như sen đá bình dị mà kiên cường tiến lên, không bao giờ lùi bước.
Sen đá còn tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, cho sự thủy chung và tin tưởng của lứa đôi. Sen đá dù cho hoàn cảnh sống có nghiệt ngã, khó khăn như thế nào, cũng luôn cố vươn lên, cố đón lấy ánh nắng mặt trời, giống như sự bền chặt, vĩnh cửu của tình yêu.
Cách trồng và chăm sóc cây sen đá đúng cách
Sen đá cũng giống như xương rồng, là một loài thực vật rất dễ trồng và chăm sóc, tuy nhiên đối với những bạn mới đam mê chơi sen đá cảnh, thì cần chú ý đến cách trồng và chăm sóc như sau, để sen đá có thể tránh được những loại bệnh phổ biến.
Trước khi tiến hành trồng sen đá, bạn cần quan tâm đến nhứng yếu tố tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng của sen đá như: đất, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, nước, chế độ dinh dưỡng,…
Trước tiên, bạn cần chọn loại đất phù hợp, tốt nhất là loại đất có khả năng thoát nước tốt để tránh bị úng rễ, có thể dùng hỗn hợp tro trấu, xỉ than tổ ong đập vụn trộn với tỉ lệ 1:1. Cũng có thể dùng hỗn hợp các thành phần: đất pha cát, phân bò. Hoặc đơn giản hơn có thể trộn cát, sỏi, đất pha cát. Điều quan trọng là hỗn hợp đất này cần thoát nước nhanh, không giữ nước để không gây ngập úng cây.
Như các bạn đã biết, Sen đá là loài ưa nóng, khô và cần nhiều nắng hơn là cần nước. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết ở khu vực mà bạn trồng sen đá, bạn chỉ nên tưới đủ ẩm để tránh thối rễ và lá, tuyệt đối không để nước đọng lại trên lá. Chỉ nên dùng nước máy hoặc nước giếng thông thường để tưới cho sen đá. Tưới nước cho ngấm, không nên để nước đọng lên ngọn cây nếu để cây nơi nhiệt độ thấp vì như vậy sẽ gây úng lá.
Khi cây sen đá đã phát triển ổn định thì có thể tưới 2-4 lần một ngày, nếu thời tiết khô, những ngày mưa hoặc thời tiết mát mẻ chỉ cần tưới 1-2 lần một tuần (Do bộ rễ của sen đá có khả năng hút ẩm trong không khí rất tốt). Lượng nước tưới nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào loại đất trồng. Đất thịt như đất phù sa, đất mùn thì khả năng giữ nước tốt, thoát nước kém nên chỉ cần tưới nước 3-4 ngày một lần.
Sen đá là loại cây cảnh dễ sống, dễ trồng và chăm sóc, tuy nhiên thời gian đầu, nếu được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giai đoạn sau, cây sẽ sinh trưởng và phát triển thuận lợi, cho ra hoa nhanh và nhanh ra nhánh mới. Bạn có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân tan chậm, phân bón qua lá (20-20-20), phân dynamic hàng tháng. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho cây không bị thiếu chất dinh dưỡng định kỳ mỗi năm nên thay đất cho cây 1-2 lần.
Đối với chậu nhỏ vừa, các bạn rải 5 – 10 viên phân tam chậm lên mặt chậu trong 1 tháng. Phân sẽ tan trong mỗi lần các bạn tưới nước.
Các bạn nào không có điều kiện mua phân tan chậm có thể ra cửa hàng cây kiểng gần nhà mua phân bón NPK tỉ lệ 20 – 20 – 20 pha vào nước tưới lên lá và gốc cây định kỳ 2 tuần/lần với liều lượng loãng hơn chỉ định.
Ngoài ra bạn hoàn toàn có thể làm đẹp cho chậu sen đá cảnh của mình bằng cách xếp thêm các loại đá, sỏi nghệ thuật, hay kết hợp cùng những loại cây cảnh mini khác để tăng thêm sự đa dạng và phong phú cho chậu cảnh của mình. Nếu ưa thích cây cảnh thủy sinh, bạn cũng hoàn toàn có thể sở hữu một chậu sen đá thủy sinh xinh đẹp với kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng rất đơn giản.
Cuối cùng, chúc các bạn có được một chậu sen đá thật xinh xắn và đáng yêu. Hy vọng bài viết này đem đến cho các bạn những thông tin bổ ích và thú vị!
Xem thêm:
Là một người yêu hoa, thích trồng cây và chia sẻ mọi thứ về sân vườn.