Dâu tây có hình dáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ, hương vị ngọt ngào, cùng với đó dâu tây cũng chứa các chất dinh dưỡng làm đẹp vô cùng cần thiết với các chị em. Vì thế nên dâu tây trở thành loại trái cây được ưa thích không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Nguồn gốc của cây dâu tây
Dâu tây (tên khoa học là Fragaria, tên tiếng anh là Strawberry) là thực vật hạt kín thuộc họ Hoa hồng. Dâu tây lúc đầu gọi là dâu đất, có vị chát, mãi đến thế kỉ 18, những nông dân người Châu Âu lai tạo để cho ra đời giống dâu tây ngon và trồng rộng rãi như hiện nay.
Dâu tây là trái cây vùng ôn đới, có xuất xứ từ Châu Mỹ, chỉ phù hợp sinh sống ở khu vực lạnh và vùng núi cao. Tại Việt nam, dâu tây được trồng nhiều nhất ở Đà Lạt do có khí hậu phù hợp, và cũng được coi là đặc sản của nơi đây.
Đặc điểm của Dâu Tây
Cây dâu tây là cây thân thảo lâu năm, thân ngắn nhưng có nhiều lá, ở trong nách lá thì mọc ra chồi nách, tùy theo nhu cầu phát triển của cây mà chồi nách có thể phát triển thành thân nhánh, thân bò, kể cả thành hoa.
Rễ cây là rễ chùm giúp cây bám chặt vào đất, có thể đâm sâu tới 30cm.
Lá dâu tây thuộc loại lá kép có từ 4 đến 5 lá, phần mép lá có răng cưa cùng cuống lá dài chuyển đỏ khi già. Hình dạng của lá, độ dày và lượng lông ở lá sẽ thay đổi tùy theo giống dâu tây mà bạn trồng.
Mỗi cây sẽ có nhiều nhánh và mỗi nhánh chỉ ra một hoa. Hoa dâu tây nhỏ, có 5 cánh màu trắng, mỏng và tròn. Là hoa lưỡng tính nên chúng có thể tự thụ phấn mà không cần nhờ vào sự trợ giúp của bất kì loài côn trùng nào, tuy nhiên cách này lại tạo ra một số giống mới.
Quả dâu tây mọi người thường thấy thực chất không phải quả thật, mà đó là quả giả do đế hoa phình to, quả thực của dâu tây chính là những hạt li ti xung quanh quả giả. Quả có hình trái tim, khi còn non thì màu xanh và chuyển dần sang hồng hoặc đỏ khi bắt đầu chín. Quả dâu tây có mùi thơm thoảng cùng vị ngọt và chua pha lẫn vào nhau.
Công dụng đặc biệt của Dâu Tây
Trong dâu tây có chứa lượng chất Vitamin C rất cao có lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể, tăng sức đề kháng và kháng lại được nhiều bệnh liên quan đến viêm nhiễm. Ngoài ra dâu tây còn giúp chống lão hóa giữ làn da luôn tươi trẻ, bảo vệ tim mạch, điều chỉnh huyết áp, ngăn ngừa béo phì, bệnh về đường huyết ….
Tuy dâu tây rất tốt nhưng chỉ nên ăn 5- 8 quả mỗi ngày, ăn nhiều dâu tây sẽ không hề tốt đối với một số người bị bệnh đau dạ dày, dễ dị ứng với các chất có trong dâu tây.
Với màu sắc đỏ tươi cùng hình dạng giống hình trái tim, quả dâu tây đưocwj dùng như biểu tượng của Nữ thần tình yêu Venus. Thời trung cổ ngời ta còn chạm khắc hình dâu tây lên cột trong nhà thờ và thánh đường như một biểu tượng cho sự hoàn hảo vào công bằng.
Dâu tây là cây ôn đới, nên ở khu vực Bắc bộ của nước ta cũng có nhiều vùng trồng dâu tây, mặc dù không được ngon như ở Đà Lạt nên nhiều người chủ yếu trồng để làm cảnh nhiều hơn là trồng để ăn.
Cách trồng và cách chăm sóc dâu tây đúng cách
Cách trồng
Chậu trồng cây nên lựa chọn các loại có nhiều lỗ để thoát nước tốt nhất, có thể tận dụng một số vật dụng bỏ đi như thùng xốp, xô nhựa đục lỗ để trồng.
Nên trồng dâu tây bằng đất thịt, trộn thêm xơ dừa để làm đất tơi xốp, thoát nước tốt và độ mùn cao. Sau khi trộn đất thì xử lý đất bằng các chế phẩm sinh học.
Dâu tây có thể trồng bằng cách ươm hạt nảy mầm hoặc mua cây con từ các chủ vườn. Nên sử dụng giống cây sạch sẽ, khỏe mạnh, nếu không cây sẽ dễ bị sâu bệnh, thậm chí còn không nảy mầm, thối hạt.
Dâu tây khi trồng cần được để ở nơi có nhiều ánh nắng, thoáng mát, có thể để ở cửa sổ nhà, ban công hoặc sân hè. Đặc biệt tránh để ánh đèn điện chiếu vào cây buổi tối, bởi cây sẽ phát triển nhanh nhưng không ra quả.
Chăm sóc Dâu Tây
Khi mới trồng, cây dễ héo chết do đứt rễ khi trồng, nên che nắng cho cây trong 2-3 ngày đầu và không quên giữ độ ẩm cho cây. Cây sẽ phát triển rất nhanh, sau một thời gian có thể ra quả hoặc nhánh.
Khi cây ra hoa, quả thì cần chú ý diệt côn trùng, nếu không chúng sẽ ăn hết quả kể cả khi quả chưa chín. Nếu một cành ra nhiều quả thì nên cắt bớt để tối đa 3 quả để tập trung nuôi và cho chất lượng quả tốt.
Nếu cây ra nhánh, khi phát triển tốt thì cây sẽ bắt đầu mọc nhánh, nhánh có thể phát triển dài ra và đủ sức mọc thêm dễ để tạo cây con mới, lúc này bạn có thể tách cây để tạo thành một vườn dâu.
Ngoài ra bổ sung thêm phân bón cho cây bằng các loại phân đa lương, vi lượng một cách đầy đủ và cân đối. Bón vào gốc hoặc xịt qua lá cây theo định kì 10-15 ngày một lần.
Tỉa bớt các phần thân lá bị bệnh,già, chè mất ánh sáng của lá khác, loại bỏ cả hoa và quả dị dạng để tập trung nuôi phần khác của cây.
Sử dụng các các chế phẩm sinh học để bảo vệ quả dâu tây khỏi sâu bệnh hại, trước khi thu hoạch 2 tuần thì nên ngừng hoạt động này.
Dâu tây không quá khó trồng, cố gắng chăm sóc chúng bạn sẽ nhận lại được thành quả xứng đáng với công sức mà mình đã bỏ ra, để thưởng thức những quả dâu tây đỏ rói và mọng nước vô cùng thích mắt. Vậy tại sao bạn không mua ngay cho mình một chậu dâu tây về để trồng ngoài ban công nhỉ?
Xem thêm:
- Các loại cây hoa trồng ban công chịu nắng
- 10 loại hoa nở quanh năm cực đẹp và dễ trồng
- Những loài hoa có mùi thơm quyến rũ không thể bỏ qua
Là một người yêu hoa, thích trồng cây và chia sẻ mọi thứ về sân vườn.