“Đêm đêm ngửi mùi hương
Mùi hoa sứ nhà nàng
Hương nồng hoa tình ái
Đậm đà ngày đó gọi tên”
Những câu hát quen thuộc về hương thơm, vẻ đẹp của hoa sứ cũng đủ cho chúng ta thấy chất thơ, chất tình của loài hoa đẹp đẽ này. Chẳng trách mà nhiều người lại ưa thích trồng cây hoa sứ trong khuôn viên nhà đến vậy. Để cây hoa sứ nhà bạn có thể ra hoa đúng dịp, nở rộ đẹp đẽ theo ý muốn, hãy cùng tham khảo cách làm cây sứ ra hoa đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện dưới đây nhé.
Những đặc điểm bạn nên biết về cây sứ
Cây sứ hay còn gọi là cây hoa sứ là loại thực vật thuộc họ trúc đào có nguồn gốc từ các nước latin, thường sinh trưởng ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Cây sứ rất kỵ lạnh và khô hanh với độ ẩm không khí thấp, chính vì vậy chúng thường phát triển mạnh hơn ở những vùng nóng ẩm như miền Nam của Việt Nam.
Giống cây sứ thường được phân loại theo màu sắc của hoa. Gồm hai loại là
Hoa sứ trắng hay còn gọi là hoa đại với cánh hoa trắng điểm vàng ở phần gần nhụy, mùi thơm ngát. Cây sứ trắng có thể cao đến hơn 2m, thân lớn, rễ to.
Hoa sứ đỏ có chiều cao thấp hơn khoảng từ 1 đến 1.3m. Cánh hoa có màu đỏ hồng đặc trưng.
Ngoài ra cũng có rất nhiều giống cây sứ khác từ tự nhiên hoặc do lai tạo như sứ cát tường, sứ hoàng lộc v.v……..
Cây sứ được xếp vào bộ cây bụi, có bộ gốc và rễ rất lớn, vỏ cây nhẵn mang màu xám nhạt, lá thon dài. Cây sứ thường ra hoa từ tháng 1 cho đến tháng 7, thường được dùng để trang trí tiểu cảnh, vườn bonsai, mang lại giá trị thẩm mỹ lớn.
Các bước đơn giản làm cây sứ ra hoa đúng hạn như ý muốn
Để có một cây sứ ra hoa đúng dịp mong muốn như Tết nguyên đán, rằm, hoặc các dịp khác thì bạn cần có một sự chuẩn bị và chăm sóc cây đúng cách. Hãy làm theo các bước dưới đây để có được sắc hoa sứ nở rộ đúng dịp.
Đối với cây sứ khỏe mạnh đã được trồng lâu trong chậu
Với mọi cây sứ, sau khi đã trồng khoảng một năm đến hơn một năm trong chậu, bạn nên thay chậu để sửa sang lại dáng, thế cây đồng thời đôn đất nâng củ rễ của cây lên để cây phát triển đẹp hơn.
Để một cây sứ có bộ rễ khỏe mạnh, dày, kín chậu các cành đã vươn khá dài thì bạn cần phải tỉa lại tán đồng thời thay đất cho cây. Để cây có thể ra hoa đúng vào dịp Tết âm lịch, chúng ta nên thực hiện công đoạn này vào tháng 10, tháng 11. Không nên thay đất cho cây vào mùa mưa để tránh tình trạng hỏng rễ, ủng cây do nước mưa thấm vào những vết cắt, chiết , tỉa cành.
Các lưu ý khi thực hiện nhổ rễ và trồng lại cây sứ
Đối với các cây sứ khỏe mạnh, thời gian từ lúc nhổ, cắt tỉa, trồng lại cho đến lúc ra hoa sẽ dao động trong khoảng từ 95-120 ngày, có thể sẽ lâu hơn nếu vào mùa mưa.
Để có một cây sứ dáng đẹp với vẻ ngoài cân đối, khi cắt cành bạn nên ước lượng để các nhánh mới sau khi mọc trở lại có chiều dài khoảng 20cm thì sẽ ra hoa.
Khi cắt cần tỉa lại bộ rễ đồng thời, sau đó thực hiện nâng bộ củ rễ. Một bộ củ rễ đẹp thường sẽ trồi lên trên mặt đất khoảng ½. Nếu nâng bộ củ rễ lên cao quá thì cây sau này dễ đổ hoặc nghiêng vẹo xấu xí.
Các bước thao tác chi tiết
Để tái trồng thành công cây sứ, bạn nên thực hiện đúng thứ tự và đầy đủ các bước sau đây.
Bước 1: Xúc bớt đất trong chậu, nhấc cây sứ ra khỏi chậu. Cẩn thận dùng que gạt bớt đất ra khỏi bộ rễ và củ cây, tránh làm xước, dập củ. Dùng vòi xịt nước rửa hết đất bám vào rễ.
Bước 2: Dùng dao cắt tỉa bộ rễ, chủ yếu là phần củ trồi lên trên mặt đất mà ta sẽ đôn lên. Cắt bỏ các rễ cám ở phần đầu các nhánh rễ để tránh hiện tượng thối rễ cám khi trồng lại vào chậu. Các vết cắt cần được bôi thuốc phòng bệnh, vôi hoặc sơn để làm khô.
Bước 3: Thực hiện treo cây sứ đã được cắt tỉa rễ ở nơi khô mát từ 5-10 ngày, bước này mục đích là để các vết cắt khô hoàn toàn trước khi ta trồng vào chậu trở lại.
Bước 4: Đem cây trồng trở lại chậu với đất ẩm, đặt cây ở nơi có ánh nắng vừa phải ( nắng 1 buổi trong ngày) trong vòng từ 15-20 ngày. Nếu thấy mặt đất khô ta có thể tưới phun sương để tăng độ ẩm, tuyệt đối không tưới nhiều, tưới ngập. Đến khi các mầm sứ mới mọc lên ở chỗ các vết cắt, ta có thể chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 5: Cây sứ ra mầm là lúc để cây dưới ánh nắng cả ngày, đồng thời chú ý sâu bệnh. Không nên dùng thuốc vì dễ làm khô và cháy cây, chỉ nên nhặt bỏ trứng sâu và các sâu non mới nở.
Có thể kết hợp bón phân NPK tỉ lệ 20-20-20, đến khi các cành mới dài ra khoảng 10-12cm thì ta chuyển qua tỉ lệ 15-30-15 hoặc 20-30-20 để cây phát triển và có đủ dưỡng chất ra hoa.
Nếu có bón phân hữu cơ, hãy chỉ bón khi cây ra chồi hoàn chỉnh ở các nhánh mới.
Bước 6: Tiếp tục chăm sóc, tưới nước, bón phân khoảng 6 tháng. Sau đó nếu các nhánh mọc quá dài làm cây mất cân đối hoặc bị nghiêng thì ta có thể tỉa điều chỉnh lại.
Đối với các cây sứ bị thối củ, còi cọc
Các cây sứ lá ít, cành nhánh còi cọc thường là do có vấn đề ở bộ rễ. Ta cần loại bỏ đất trồng hiện tại ngay lập tức và cắt tỉa như các bước ở trên sau đó trồng lại.
Nếu củ rễ bị thối, ta lấy dao sắc cắt, khoét bằng hết các vết thối đen (đến khi không còn dù chỉ là một chấm đen), sau đó bôi thuốc vào vết cắt rồi đem phơi khô trong khoảng 15-20 ngày.
Sau khi phơi khô, ta đem trồng lại. Lúc này là lúc cây sứ bị suy kiệt nên ta cần bón NPK kết hợp với các loại phần dinh dưỡng khác đến khi nào cây có các cành lá tốt, ra chồi đều thì ta có thể chuyển qua chế độ bón phân như bước 5 để phục vụ cho quá trình ra hoa của cây.
Các lưu ý về việc tạo dáng cây sứ đẹp
Không cần dập khuôn tạo dáng cho cây sứ theo các kiểu quen thuộc như tán tròn hay thác đổ. Bạn nên quan sát dáng cây hiện có, độ cao, chiều dài cành, củ rễ có cân đối không, bộ thân, bộ nhánh để điều chỉnh cho hài hòa cân đối.
Sự chỉnh sửa chỉ nên ở mức giúp cho cây đứng vững, các cành nhánh được mạch lạc hài hòa, không mất dáng vì nhánh quá dài.
Các cây sứ có bộ rễ củ tự nhiên đẹp có thể trồng trong các chậu cạn làm cây bonsai, chú ý tỉ lệ cân đối giữa gốc, thân và nhánh.
Nên lựa chọn những cây sứ được nhân giống từ hạt, vì tỉ lệ những cây này có bộ củ rễ cân đối rất cao, tạo nên cây đẹp một cách dễ dàng.
Hy vọng những bước đơn giản, cùng với những lưu ý được đúc từ kinh nghiệm nhiều năm trồng sứ của chúng tôi sẽ giúp cho các bạn có được những cây hoa sứ cảnh đẹp nhất, ra hoa đúng hạn mong muốn. Đừng quá gượng ép cây sứ của mình theo một khuôn mẫu nhất định nào đó, vẻ đẹp tự nhiên vẫn luôn là vẻ đẹp hoàn hảo nhất. Chúc các bạn nhanh chóng nắm rõ được cách làm cây sứ ra hoa và thành công với cây sứ của mình. Xin chào và hẹn gặp lại trong các bài viết chăm sóc cây cảnh tiếp theo.
Là một người yêu hoa, thích trồng cây và chia sẻ mọi thứ về sân vườn.