Nhiều gia đình muốn chăm sóc và tận dụng lan hồ điệp chơi tết để tiếp tục trồng chơi năm sau. Trên thực tế, lan hồ điệp khá dễ trồng và phù hợp với thời tiết mọi miền của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không tuân theo những quy tắc sau thì cây không phát triển hoặc lụi dần. Vậy cách trồng lan hồ điệp sau tết như thế nào là đúng? Cùng tinnhavuon tìm hiểu ngay dưới đây nhé!
Các nguyên tắc quan trọng khi trồng lan hồ điệp sau tết
Hãy cắt hoa sớm nhất có thể
Đây là một trong những lỗi hầu hết chúng ta đều mắc phải khi muốn chăm sóc lan hồ điệp sau khi chơi tết. Vốn dĩ lan hồ điệp rất lâu tàn, nếu cây sung sức có thể 2-3 tháng thì hoa mới tàn hết. Việc để cây nuôi hoa quá lâu như này sẽ khiến cây kiệt sức, việc chăm sóc sau này sẽ rất cực.
Chính vì lẽ đó, nếu cây có hiện tượng hoa bắt đầu tàn ½ đến ⅔ ngồng hoa thì bạn nên dùng kéo cắt ngồng hoa đi. Bản thân mình trồng hoa thường sẽ tỉa dần những bông tàn đến ⅔ thì sẽ cắt ngồng hoa đi để đảm bảo chúng ta vẫn có hoa đẹp ngắm mà cây không quá bị đuối.
Nếu lan hồ điệp chơi tết, bạn muốn trồng lại thì nên tỉa ngồng hoa đi từ rằm tháng Giêng đến 20 âm là hợp lý.
Không tưới đẫm nước cho cây
Hầu hết chúng ta đều lo lắng cây ra hoa nên tưới rất nhiều nước cho nó. Tuy nhiên với giá thể dớn Chile cực kì giữ nước này thì rất dễ khiến cho cây bị úng nước và thối rễ. Chính vì thế bạn chỉ nên xịt phun sương trên bề mặt lá và mặt gốc cho cây không bị héo là được.
Không sử dụng lại giá thể cũ cho cây
Giá thể trồng lan hồ điệp Tết hiện nay chủ yếu là dớn chile, chúng rất nhẹ, giữ nước tốt nên thích hợp trồng trong nhà kính hoặc di chuyển đi xa. Tuy nhiên giá thể này lại không phù hợp nếu chúng ta trồng lan hồ điệp tại nhà. Hiện tượng cây lan xảy ra hiện tượng thối rễ là cực kỳ phổ biến và sai lầm của bất cứ ai muốn trồng lan hồ điệp sau tết.
Vậy làm thế nào để trồng lan hồ điệp chuẩn và dễ sống, dễ chăm sóc nhất?
Cách trồng lan hồ điệp sau tết
Sau tất cả, bạn đã chơi tết xong cần chuẩn bị những thứ sau để đưa em nó vào một cuộc sống mới:
Chuẩn bị
Chậu trồng cây
Lan hồ điệp là loài lan không yêu cầu chậu quá to, thậm chí chúng thích chậu trồng hơi chật một chút. Tuy nhiên bạn cũng nên chọn chậu phù hợp với kích thước của cây cho cân đối.
Bạn có thể lựa chọn chậu nhựa hoặc chậu đất nung, chậu gỗ đều được. Với tôi sẽ chọn chậu đất nung với những cây kích thước lớn, chậu nhựa với những cây có kích thước nhỏ, mới cho hoa.
Giá thể trồng cây
Ở bên trên mình đã chia sẻ không thể sử dụng giá thể cũ của cây. Vì thế chúng ta có thể cân nhắc sử dụng các loại giá thể sau: than củi, vỏ thông, viên đất nung, dớn sợi, miếng gỗ nhỏ,…
Mình thường sử dụng vỏ thông kết hợp với than củi và viên đất nung để tạo nên một loại giá thể cho cây, vừa đảm bảo giữ ẩm vừa phải, vừa đảm bảo thoát nước tốt.
Các bạn lưu ý phải xử lý giá thể thật kỹ trước khi trồng nhé!
Que tre nhỏ, dây thít buộc cố định
Để đảm bảo cây thích nghi nhanh với môi trường mới thì việc cố định cây là hoàn toàn cần thiết. Bạn có thể dùng que tre nhỏ buộc ngang miệng chậu và cố định bằng dây thít.
Dao tem hoặc dao lưỡi mỏng thật sắc
Chúng ta cần loại bỏ bớt rễ thừa, rễ hỏng, nấm bệnh đi để cây phát triển toàn diện nhất. Vì thế dao lam là sự lựa chọn cần thiết.
Keo liền sẹo
Để đảm bảo các vết cắt được kín và không gây tổn thương cho cây, keo liền sẹo là vật dụng không thể thiếu. Nếu không có keo liền sẹo bạn có thể cân nhắc dùng sơn móng tay hoặc vôi đã tôi ( vôi ăn trầu) nhưng mình không khuyến khích.
Thuốc kích rễ
Để cây thích nghi nhanh và cho ra rễ mới, thuốc kích rễ sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Bạn có thể cân nhắc sử dụng Vitamin B1, chế phẩm Hùng Nguyễn hoặc Super Thrive đều được ( Không dùng kích rễ Atonik cho cây mới trồng).
Các bước trồng lan hồ điệp
Ok, vậy là bạn đã chuẩn bị xong các vật dụng cần thiết, các bước thực hiện trồng lan hồ điệp sau tết như sau:
Bước 1: Xử lý cây lan hồ điệp
Bạn gỡ cây ra khỏi giá thể, tháo sạch toàn bộ dớn ra, ngồng hoa cắt sát gốc cây ( lưu ý cắt cẩn thận tránh làm tổn thương cây, chừa lại khoảng 2cm là ok)
Sử dụng dao lam cắt toàn bộ rễ thừa, rễ thối của cây. Những chiếc rễ còn khỏe mạnh, bạn chỉ nên để khoảng 7-10 đầu rễ của cây dài chừng 10cm, còn lại cắt bỏ để cây có không gian phát triển bộ rễ mới khỏe hơn.
Bước 2: Xử lý vết cắt
Sử dụng keo liền sẹo bịt kín tất cả các vết cắt hở của cây để tránh vi khuẩn nấm bệnh xâm nhập vào bên trong cây. Sau đó bạn để chỗ thoáng cho các vết cắt được khô.
Bước 4: Xử lý kích rễ cho cây
Bạn có thể sử dụng chế phẩm Hùng Nguyễn hoặc vitamin B1 hòa tan vào nước, sau đó ngâm ngập cây trong khoảng 30 phút rồi vớt lên, treo ngược cho cây ráo nước và tiến hành ghép cây.
Bước 5: Chuẩn bị chậu trồng lan hồ điệp
Tiến hành buộc móc treo vào chậu cây cho chắc chắn và cân bằng.
Bước 6: Chuẩn bị giá thể
Xử lý giá thể thật kỹ cho cây hạn chế tối đa nấm bệnh, đập nhỏ giá thể cho cây với kích thước bằng đầu ngón chân cái hoặc nhỏ hơn chút là được.
Bước 7: Tiến hành ghép cây vào chậu
Rải một lớp giá thể kích thước lớn xuống đáy chậu tạo độ thoáng khí và thoát nước tốt cho cây. Lúc này bạn đưa cây vào ướm thử độ sâu của chậu sao cho gốc cây lan cách miệng chậu khoảng 2-3cm là được.
Đạt được độ sâu như vậy thì bạn sử dụng que tre và dây thít cố định cây lan vào trong chậu chắc chắn, không lung lay.
Sau đó tiếp tục rải lớp giá thể nhỏ hơn lên đến ngang mặt gốc thì dừng lại.
Như vậy là bạn đã trồng cây lan hồ điệp thành công.
Bước 8: Tưới nước
Sau khi ghép xong bạn lưu ý tuyệt đối không tưới nước cho cây mà treo cây ở nơi thoáng mát, tránh tuyệt đối nước trong 1 ngày. Làm như vậy là giúp cây khô các vết xước trong quá trình trồng cây, hạn chế tối đa hiện tượng thối rễ, lá – căn bệnh phổ biến ở cây lan hồ điệp.
Sau 1 ngày bạn tiến hành tưới nước cho cây, 1-2 ngày tưới 1 lần, tránh tưới lên lá và không tưới vào buổi tối, đêm.
Cách chăm sóc lan hồ điệp sau tết như sau
Lan hồ điệp chăm sóc không quá khó, cây ưa ẩm vừa phải, ánh nắng nhẹ hoặc nắng ½ ngày. Nếu cây mới trồng nên treo ở giàn có mái che nắng mưa trực tiếp.
Độ ẩm – chế độ nước tưới
Hồ điệp là loại lan ưa ẩm nhưng không thích ướt, giữa 2 lần tưới nước cần một khoảng thời gian khô ráo cho rễ cây thông thoáng và hô hấp tốt. Chính vì thế bạn cần chú ý xem tiểu khí hậu vườn nhà thích hợp tưới 1 lần/ ngày hay 2 lần/ ngày.
Một lưu ý nữa là hồ điệp khá dễ bị thối nhũn, đặc biệt là trên bề mặt của lá. Do vậy bạn cần chú ý tuyệt đối không tưới nước vào ban đêm cho cây, việc đọng nước trên lá rất dễ khiến cây bị bệnh.
Ánh sáng
Hồ điệp là loài lan không ưa quá nhiều ánh sáng, bạn nên treo dưới 1 lớp lưới đen cản 50% ánh sáng hoặc chiếu sáng ½ ngày, tránh ánh nắng gắt là được.
Phân bón
Khi mới trồng cây bạn chưa cần phải bón phân cho cây vội. Khi cây phát triển bộ rễ sau 4-6 tháng có thể sử dụng phân hữu cơ ( phân dê, phân bò khô, phân dê) hoặc phân tan chậm bón cho cây. Lưu ý nên để phân sát thành chậu, cách xa gốc cây tránh làm cây nóng gốc, sốc phân làm hại cây.
Nấm bệnh
Hồ điệp thường gặp bệnh thối nhũn hoặc rệp sáp hại cây, vì thế bạn cần theo dõi và phun thuốc phòng bệnh định kỳ cho cây bằng Ridomil Gold 68WG hoặc Physan 20SL.
Trên đây là chia sẻ cách trồng lan hồ điệp sau tết chi tiết và đơn giản nhất, bạn có thể tham khảo và tận dụng trồng trong vườn nhà. Chúc các bạn sở hữu những chậu lan xanh tốt và cho hoa đẹp vào mùa sau!
Là một người yêu hoa, thích trồng cây và chia sẻ mọi thứ về sân vườn.