Nhắc đến hoa Nhài hay hoa Lài không ai không liên tưởng đến một lài hoa trắng tinh khiết và có hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng. Vậy ngoài công dụng làm cảnh thì cây hoa nhài còn công dụng nào khác nữa, trồng và chăm sóc hoa nhài ra sao. Tất cả các thắc mắc về hoa Nhài sẽ được giải đáp đầy đủ dưới đây. Các bạn hãy cùng tinnhavuon theo dõi nhé!!!
Cách nhận biết cây hoa nhài
Tên gọi
Hoa Nhài, hay còn gọi là hoa Lài (tên khoa học: Jasminum sambac), là một loài thực vật bản địa vùng Nam Á và Đông Nam Á. Được trồng nhiều nơi trên thế giới vì những công dụng tuyệt vời mà chúng đem lại.
Đặc điểm cây hoa nhài
Hoa Nhài là cây thân cỏ, thường mọc thành bụi nhỏ có chiều cao từ 0,3-1m. Thân cây mảnh được phân thành nhiều cành và nhiều nhánh. Lá cây có màu xanh đậm to bằng nửa bàn tay, có hơi bóng ở trên bề mặt. Ở đầu mỗi nhánh sẽ là chùm hoa nhài, mỗi bông hoa nhài nhỏ bé chỉ có đường kính 2,5-5cm, cánh hoa có màu trắng tinh khiết. Hoa nhài thường nở thành chùm, một chùm sẽ có từ 3-15 bông hoa.
Hoa Nhài nở hoa quanh năm, và ra rất nhiều hoa, thường nở nhiều hoa nhất là mùa hè. Hoa Nhài có hương thơm nhẹ nhàng, đặc biệt nồng đậm hơn vào ban đêm. Nếu để hoa trong nhà thì nên để hướng về phía Nam của ngôi nhà, còn nếu bạn trồng ngoài vườn thì cây nên trồng ở phía Bắc, Đông hoặc Đông Bắc để cây hoa phát triển tốt nhất.
Công dụng đặc biệt của cây hoa Nhài
Hoa nhài có rất nhiều công dụng bởi vẻ đẹp cũng như tác dụng y học của nó mà hoa nhài được sử dụng phổ biến trong các gia đình từ xưa đến nay với rất nhiều công dụng như:
Công dụng về phong thủy: Thân cây hoa Nhài mềm, dễ uốn và tạo hình, có hình dáng đẹp, ra nhiều hoa và hương thơm dễ chịu, đem lại năng lượng tích cực cho gia đình của bạn, ngoài ra hoa nhài còn có thể trừ xú uế và đem lại tài lộc cho gia chủ. Chúng thường được trồng trong chậu nhỏ và đặt ở bàn làm việc, ban công, bàn ăn…
Hoa Nhài được chiết xuất làm mỹ phẩm, nước hoa: Mùi thơm dịu nhẹ của hoa nhài rất được nhiều người ưa thích, vì vậy nên người ta đã nghĩ ra cách chiết xuất ra tinh dầu hoa nhài để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mùi thơm của hoa nhài giúp tinh thần trở nên phấn chấn hơn, giảm bớt uể oải, mệt mỏi, thư giãn đầu óc.
Hoa Nhài trở thành bài thuốc dân gian chữa nhiều bệnh: Lá, rễ và hoa nhài có vị cay, ngọt, tính mát. Hoa có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, rễ hơi có độc, tác dụng an thần, gây tê. Các tác dụng mà cây hoa nhài đem lại: Điều hòa đường huyết: Hoa Nhài giúp điều hòa quá trình sản xuất Insulin có thể ổn định đường huyết và ngăn chặn bệnh tiểu đường. Ngoài ra còn chống Oxy hóa, chống viêm, giảm cân, bảo vệ sức khỏe răng miệng, tăng cường chức năng não, ngăn ngừa bệnh Parkinson và Alzheimer, hỗ trợ điều trị ung thư.
Cách chế biến: Rễ thường được nghiền trong nước để bỏ bớt độc tố, liều lượng dùng 1 – 1.5g/ ngày. Hoa được sử dụng hãm làm trà uống, lá được dùng chủ yếu ở dạng sắc và giã ra đắp ngoài. Liều dùng của hoa và lá là 3 – 5g/ ngày.
Những lưu ý khi sử dụng hoa nhài
Trà hoa nhài có chứa Caffeine nên có thể gây mất ngủ và tăng huyết áp
Không dùng cho phụ nữ có thai bởi có thể gây sảy thai và sinh non
Dùng khi đói có thể gây đau thượng vị và là nghiêm trọng bệnh viêm loét dạ dày
Dùng hoa nhài trong thời gian dài có thể gây thiếu máu cho cơ thể.
Những người đang bị suy nhược không nên dùng các bài thuốc từ hoa nhài.
Cách trồng cây hoa Nhài
Hoa Nhài rất dễ trồng và không cần phải chăm sóc quá tỉ mỉ, chúng có sức sống mạnh và khả năng sinh trường phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của Việt Nam. Thời điểm thích hợp nhất để trồng hoa Nhài là đầu xuân, thời gian vào khoảng tháng 2- tháng 4 đối miền Bắc. Còn ở miền Nam thì nên trồng cây vào thời điểm trước mùa mưa hoặc sau mùa mưa để cây có thể phát triển tốt nhất.
Hoa nhài thường được nhiều gia đình trồng trong vườn nhà để có thể dễ dàng thưởng thức, tuy nhiên vẫn có nhiều người thích trồng trong chậu về để trong nhà và tiện di chuyển. Dù trồng ở đâu thì hoa nhài cũng có hai cách trồng chính là giâm cành và trồng bằng hạt.
Giâm cành lại được nhiều người lựa chọn bởi chỉ cần chọn giống tốt, cắt và giâm vào đất tốt, thường xuyên tưới nước đến khi ra rễ là được.
Ngoài ra cũng có thể trồng bằng hạt, ươm trong bầu, đến khi cây cao cỡ gang tay thì trồng ra đất hoặc chậu đều được.
Thích hợp nhất để trồng hoa Nhài là loại đất cát ít chua, có nhiều chất mùn, tơi xốp và dễ thoát nước. Trồng trong chậu thì có thể thay bằng đất thịt hoặc đất hỗn hợp có chứa hữu cơ.
Bí quyết chăm sóc cây hoa Nhài nhiều hoa, lớn nhanh như thổi
Với một người yêu thích hoa, bạn muốn cây ra nhiều hoa và có mùi thơm thì cần tạo môi trường sinh trưởng lý tưởng để cây có thể phát triển toàn diện nhất cần chú ý các yếu tố sau.
Ánh sáng: Hoa nhài là loài cây không chịu được ánh nắng quá mạnh, nên để chúng ở vị trí nửa nắng nửa râm. Có thể trồng dưới tán cây to, hoặc để trước ban công nhà là phù hợp nhất.
Nhiệt độ: Chúng cũng là loài cây ưa ấm và không chịu được giá lạnh, nhiệt độ mà chúng sinh trưởng mạnh nhất là 20-25 độ C. Thích hợp trồng ở không gian thoáng tương đương với nhiệt độ phòng, hoa nhài cũng không thích hợp trồng trong môi trường quá kín hoặc lạnh như trong điều hòa.
Chế độ nưới nước: Khi tưới nước bạn chỉ nên tưới vừa đủ, không nên tưới quá nhiều dù đây là loài cây ưa ẩm nhưng chúng có thể bị úng và chết. Trong thời gian sinh trưởng của chúng thì nên giữ ẩm cho đất để chúng có thể phát triển tốt nhất. Cách xác định tốt nhất để cần biết lúc nào cần tưới nước là nhìn vào phần đất quanh gốc cây, thấy đất khô thì cần bổ sung thêm nước cho cây.
Bón phân: Nên bón phân cho hoa nhài mỗi tháng một lần để cây phát triển nhanh hơn và ra nhiều hoa hơn, nên ưu tiên dùng phân chuồng, phân hữu cơ.
Cắt tỉa: Thường xuyên cắt bỏ hoa và thân cây chết để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Hoa Nhài rất kỳ diệu đúng không nào. Là một người yêu hoa và cây cảnh chắc hẳn sẽ có trong mình một chậu hoa nhài vừa để ngắm, để ngửi lại còn chữa được bệnh khi cần. Hoa Nhài như một biểu tượng thuần khiết trong trắng của Việt Nam.
Xem thêm:
Là một người yêu hoa, thích trồng cây và chia sẻ mọi thứ về sân vườn.