Phong lan được coi là “vương giả chi hoa”, một loài hoa chỉ dành riêng cho vua chúa ngày xưa. Có thể nói, thật biết ơn thiên nhiên đã ban tặng cho con người một loài cây có hương và sắc ngất ngây như vậy. Người chơi phong lan nên chú ý những gì cần biết những gì, cùng chúng tôi điểm qua nhé!
Phong lan không khó trồng nhưng cũng không phải dễ
Có vẻ mâu thuẫn nhỉ, cái gì mà vừa không khó mà cũng không dễ? Thực ra là đúng đấy, trước đây tôi trồng lan chả sống được cây nào hoặc có sống nó cũng quặt quẹo không ra hoa. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 8 năm về trước, bây giờ kinh nghiệm đầy mình nên mọi chuyện đã khác rồi!
Họ phong lan bao gồm hàng ngàn loài, mỗi loài lại có đặc tính sinh sống, ra hoa khác nhau. Chính vì thế mà chăm sóc hoa lan không hề có một quy chuẩn hay một kỹ thuật riêng nào cả.
Mỗi loại lan có một đặc tính riêng, loại thì ưa ẩm suốt ngày, loại ưa khô, loại thì thích giữa 2 lần tưới nước phải khô,… Có thể nói phong lan rất đa dạng cho nên chế độ chăm sóc khác nhau. Có thể liên tưởng cây lan đến những người phụ nữ, người thì thích nhũng nhẽo người yêu, người lại không thích một chút nào.
Tìm hiểu thêm: 10 loài lan phù hợp trồng trên ban công, sân thượng
Ý nghĩa của từ “phong lan”
Phong lan được cấu tạo từ hai chữ “phong” + “lan”. Nếu như lan là tên của nó thì phong là gì? Trong tiếng Hán, phong có nghĩa là gió. Suy ra trồng lan bắt buộc cần phải có gió. Nếu lan không có gió thì trồng có chăm đến mấy cũng không thể lớn mà khỏe được. Ngược lại, khi đáp ứng đủ gió và độ ẩm, ánh sáng phù hợp thì cây sẽ khỏe mạnh và chống chịu được bệnh rất tốt.
Hướng gió cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của lan. Hướng gió tốt cho sự phát triển của chậu lan là hướng Đông, hướng Nam và hướng Đông Nam. Đây là hướng gió có thể nói là mang lại độ ẩm cho lan phát triển nhanh chóng.
Ngược lại gió Tây hay gió Tây Bắc lại làm giàn lan của bạn khô nhanh chóng và đặc biệt là độ nóng cao. Nếu như giàn lan thiết kế mà không đảm bảo được hướng gió phù hợp thì rất khó phát triển tốt.
Nguyên tắc trồng phong lan
Trồng phong lan phải đảm bảo độ ẩm hằng ngày cho cây. Điều này có lẽ ai cũng biết. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng ưa ẩm mãi được.
Có những loại lan ưa ẩm nhưng giữa đó phải xem vào những khoảng thời gian khô để cây được cứng cáp, khỏe mạnh hơn.
Mặt khác, với những cây lan mới ghép cần phải tránh mưa 100%, nếu không kiểm soát được độ ẩm, cây lan rất dễ dính mưa và bệnh thối nhũn. Chính vì vậy, việc kiểm soát độ ẩm là cực kì cần thiết và không được bỏ qua.
Về ánh sáng, có những loại lan ưa nắng, có thể cho ăn nắng 100% mà không cần lưới che. Có những loại lan chỉ ưa nắng 60-70% dưới 1 lớp lưới che nhẹ, tuy nhiên cũng có những loại lan ưa râm mát hoàn toàn như lan hài.
Nói chung, nếu bạn trồng lan với quy mô lớn như nhà vườn thì việc kiểm soát tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lan là bắt buộc.
Tuy nhiên, nếu bạn trồng một vài giò lan để chơi thôi thì việc này không quá quan trọng. Mỗi nhà có tiểu khí hậu khác nhau, chính vì thế lại phù hợp với từng loại lan khác nhau.
Trồng phong lan phải đảm bảo gốc cây được thoáng mát, không được lấp gốc như trồng khoai. Có nhiều bạn trồng lan mà sợ gốc nó bung ra hay sao ấy, lấy vỏ thông, dớn, xơ dừa đắp vào kín gốc khiến nó ra đi không thương tiếc.
Bạn hãy tự chọn cho mình những loại lan phù hợp nhất cho gia đình mình nhé!
Thiết kế vườn trồng lan
Có vẻ nhà vườn đã đi quá xa rồi nhỉ! Nhưng thôi đã lỡ viết rồi thì tôi viết cho trót vậy.
Thiết kế vườn trồng lan không phải chuyện đơn giản. Tuy nhiên chúng ta cũng không cần thiết phải xem phong thủy trước khi xây dựng, đâu có quan trọng như xây nhà.
Tuy nhiên, việc xây dựng dàn lan bắt buộc phải xem hướng gió, hướng nắng, nguồn nước cho phù hợp. Như đã nói bên trên, tiểu khí hậu mà bạn đảm bảo tốt thì sẽ thành công đến 80%, 20% còn lại phụ thuộc vào cách bạn trồng và chăm sóc lan đúng cách.
Vườn lan được thiết kế không có bất cứ một quy chuẩn nào cả, miễn n phù hợp với điều kiện từng nhà là được. Tuy nhiên, thiết kế vườn lan nên tận dụng phần sân nền để đảm bảo độ ẩm cũng như hấp thụ nhiệt độ cho cây, nhất là vào mùa hè nắng nóng này.
Việc thiết kế sân vườn tốt nhất nên để nền đất hoặc trải đá lên hoặc tốt nhất là quây xung quanh và đổ nước vào bên trong. Sử dụng nước vừa làm mát vườn, vừa cung cấp độ ẩm cho cây phát triển.
Thiết kế vườn lan phải đảm bảo có một khu riêng phục vụ cho việc ươm giống nhỏ, một khu riêng để cách ly những mầm bệnh ra khỏi giàn.
Nếu xây dựng giàn, tốt nhất bạn bên xây dựng dàn 2 tầng để có thể tiện chăm sóc các loại mà không cần phải dỡ xuống rất vất vả.
Hoa phong lan ai cũng thích nhưng chơi lan đâu phải ai cũng đủ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan đâu. Để trồng được giò lan không phải chuyện đơn giản, chính vì thế hãy trân trọng hương sắc hoa lan nhé! Chúc các bạn sở hữu được những giò lan đẹp.
Xem thêm:
Là một người yêu hoa, thích trồng cây và chia sẻ mọi thứ về sân vườn.